Sunday, October 10, 2010

Prediction markets

Prediction markets là các thị trường giao dịch các hợp đồng tiên đoán, tức là hợp đồng được và chỉ được thanh toán dựa vào một sự kiện đặc biệt nào đó. Ví dụ sát nhất là các hợp đồng tiên đoán giải Nobel mà tôi trích dẫn hôm trước. Về bản chất đây là một cuộc cá cược/đánh bạc giữa những người tham gia giao dịch (chứ không có nhà cái), và tỷ lệ đánh cược tùy thuộc vào cung và cầu của thị trường. Có thể xem thêm về thị trường này qua các bài của Wolfers và Zitzewitz trên NBER.org, mà tiêu điểm là nghiên cứu cùng với Snowberg về ảnh hưởng của tổng thống Dân chủ so với Cộng hòa đối với thị trường chứng khoán. Cũng có một số nghiên cứu khác như của Charles Manski. (Các bạn không truy cập trực tiếp vào journal có thể dùng scholar.google.com để tìm ra những bản working paper dễ dàng.) Hiện ở Mỹ dạng thị trường này còn bị giới hạn rất nhiều về mặt pháp luật vì nó mang hình thức đánh bạc qua mạng, vì thế đã có một bài viết trên tạp chí Science, được rất nhiều nhà kinh tế có tên tuổi ký tên, đề xuất mở cửa dạng thị trường tiên đoán.

Tôi nhắc đến thị trường này vì hôm nay có xem lại tỷ lệ tiên đoán giải Nobel trên ipredict.co.nz, và một lần nữa lại thấy tổng xác suất của các sự kiện (dựa trên giá các hợp đồng) lớn hơn 100% (tôi đã từng thấy điều này nhiều lần trên intrade.com). Hiện tượng này dẫn đến khả năng kiếm tiền chắc ăn (arbitrage): nếu tôi bán cùng một lúc hợp đồng tiên đoán tất cả các khả năng, thì tôi sẽ chắc chắn kiếm được tiền (xác suất 100%) nhiều hơn số tiền tôi sẽ phải thanh toán. Lý do là vì lượng giao dịch của các hợp đồng không cao, nên giá của mỗi hợp đồng không phản ánh chính xác xác suất được cả thị trường tiên đoán, mà chỉ là xác suất của những người tham gia thị trường đó thôi. Thêm vào đó, những người tham gia vào một thị trường nhỏ thường có xu hướng tâm lý phóng đại xác suất một sự kiện lên (như lý thuyết Prospect của Kahneman và Tversky). Tổng hợp lại, tổng xác suất của các sự kiện có thể xảy ra sẽ lớn hơn 100%. Và cũng chẳng ai buồn kiếm tiền dựa vào sự chênh lệch này (arbitrage), vì thị trường quá mỏng và không kiếm được mấy.

Có thể hiện tượng này cũng giải thích bằng mô hình tài chính kiểu CAPM, nhưng tôi nghĩ là sẽ dẫn đến các tham số bất hợp lý, vì giá trị của các giao dịch ở đây quá nhỏ đối với mức sống bình thường

No comments:

Post a Comment